Search intent là gì? Phân loại ra sao? Vì sao đây lại là yếu tố quan trọng để tăng CTR trong SEO và SEM? Cùng iSharedigital ‘chu du’ vào tâm trí khách hàng qua 4 loại mục đích ‘ẩn sau’ các từ khóa tìm kiếm qua bài viết dưới đây nhé!
Search intent là gì? Vì sao quan trọng trong SEO và Google Ads Search?
Search intent có thể hiểu nôm na là mục đích tìm kiếm – bạn đang tìm thứ gì trên Google? Lấy ví dụ như từ khóa ‘digital marketing agency’, người dùng internet đang kỳ vọng Google trả về những kết quả ra sao? Agency để mời pitching? Agency đang tuyển dụng hay bạn đang tìm danh sách agency vì muốn đánh giá độ uy tín của đơn vị vừa liên hệ?
Có rất nhiều lý do để người dùng bắt đầu với một từ khóa. Đứng dưới góc độ của người làm SEO hay chạy quảng cáo Google, nhiệm vụ của chúng ta là ‘bắt gọn’ những lý do này qua các tiêu đề. Chưa nói đến tỷ lệ chuyển đổi có tốt hơn không, ít nhất bạn cũng đang giúp tăng CTR và điều hướng đúng đối tượng tới landing page hay website của mình!
Hãy nghĩ thử đi, giữa muôn vàn bài viết/ quảng cáo, đâu là lý do họ click vào trang của bạn? Phải chăng vì chúng ‘thu hút’ ngay từ cái nhìn đầu tiên – tiêu đề có insight?! Vậy làm thế nào
để đọc vị ‘insight’ khách hàng qua các từ khóa sử dụng, và biến đó làm điểm tựa thu hút khách hàng?
Tùy vào độ ngắn dài và mức độ cụ thể của các từ khóa tìm kiếm mà chúng ta có thể phần nào mường tượng được mục đích phía sau. Thường thì với những từ khóa ngắn, search intent không quá ‘dễ cảm’ như các từ khóa dài. Nhưng từ khóa càng chung chung, càng thể hiện họ mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiên trên “hành trình khách hàng”. Đa phần với những đối tượng như vậy, cách triển khai nội dung tốt nhất là cung cấp thông tin hữu ích cho họ.
Cụ thể ra sao hãy cùng iSharedigital phân loại 4 mục tiêu tìm kiếm và một vài gợi ý sử dụng trong phần tiếp theo nhé!
4 loại search intent chính khi phân nhóm từ khóa
1. Information intent – mục đích chính là tìm kiếm thông tin
Một cách dễ hiểu, đây là những từ khóa được sử dụng để tìm kiếm thông tin về một chủ đề hay sản phẩm/ dịch vụ cụ thể. Đây cũng là loại từ khóa được sử dụng rộng rãi nhất khi bản chất của Google là ‘giải đáp những câu hỏi bạn không thể tự giải đáp’. Chẳng hạn nếu đọc xong bài viết này bạn cảm thấy tò mò những vẫn khá mơ hồ về search intent và cách sử dụng, vậy điều tiếp theo bạn sẽ làm là gì? Chắc hẳn bạn đã mường tượng được câu trả lời rồi. Hãy để iSharedigital đoán thử nhé:
- Tìm kiếm với cụm từ ‘search intent’ để khám phá tất cả nội dung liên quan
- Tìm kiếm cụ thể và chi tiết hơn, ví dụ như ‘search intent trong SEO’, ‘cách sử dụng search intent’, ‘tài liệu về search intent’…
Và khi đối tượng sử dụng những từ khóa như vậy, hãy tiếp cận bằng những nội dung hữu ích trong các bài viết SEO thay vì chỉ dừng lại tại tiêu đề. Nếu được, hãy giữ nội dung tinh gọn, cấu trúc rõ ràng để người đọc có thể lướt nhanh tới những thông tin quan trọng. Việc sử dụng số liệu, infographic, video cũng góp phần tạo ‘trọng lực đọc’ và giữ chân họ lâu hơn trên trang thay vì chỉ ‘lướt lướt’ một lúc rồi thoát ra!
Với Google ads, đây có thể là phễu đầu vào quan trọng khi thương hiệu của bạn chưa mạnh về branding hay không triển khai SEO. Lúc này, không chỉ dừng lại ở những nội dung quảng cáo thu hút, doanh nghiệp còn cần định nghĩa tổng quan và chi tiết cho đối tượng mục tiêu về sản phẩm/ dịch vụ của mình.
Chẳng hạn bạn đang bán phần mềm/ hệ thống, hãy cố gắng giúp đối tượng của mình mường tượng được các tính năng, lợi ích hay lý do lựa chọn sau khi đã đảo 1 vòng trên landing page của bạn! Khi chưa biết hay tin tưởng về một thương hiệu mới, họ cần nhiều thông tin hơn và cơ hội thuyết phục của bạn chỉ gói gọn trong 1 trang landing page duy nhất!
2. Navigational Intent – Tìm kiếm website doanh nghiệp
Đây là những từ khóa được sử dụng để tìm kiếm một website cụ thể. Lúc này họ đã có trong đầu một vài thông tin như tên công ty, tên thương hiệu và sử dụng chúng để tìm trang web/ sản phẩm liên quan. Thường thì dấu hiệu nhận biết của loại từ khóa này là ‘tên thương hiệu’ được đặt cùng từ khóa – ví dụ: agency quảng cáo + iSharedigital.
Với những ai làm SEO lâu năm, chắc hẳn cũng không lạ gì với cách ứng dụng loại từ khóa có ‘search intent’ như trên. Một cách đơn giản, đó là tối ưu thẻ meta của home page hoặc trang sản phẩm để đối tượng mục tiêu có thể dễ dàng ‘đi thẳng’ tới trang cần tìm. Ngoài ra bạn cũng có thể kết hợp với nhiều kỹ thuật SEO khác từ cấu trúc website, cách đi link nội bộ, lên kế hoạch nội dung…
Nếu bạn vẫn chưa hệ thống hóa được các vấn đề về SEO, hãy dành vài phút tham khảo thêm tại bài viết sau nhé:
→ SEO là gì? Hướng dẫn làm SEO website bằng nội dung onpage và các chiến lược offpage
3. Commercial Intent – từ khóa liên quan đến mục đích thương mại
Cụ thể hơn, commercial intent là những từ khóa thiên về tìm kiếm sâu, rộng hơn về sản phẩm, dịch vụ họ đang có ý định ‘chi tiền’. Nói cách khác, họ đã bị bạn thuyết phục một phần nào đó ở các hoạt động marketing trước đó và chỉ đang tìm kiếm thêm thông tin để ‘chọn đúng sản phẩm’ mà thôi.
Để tận dụng loại search intent này trong SEO, doanh nghiệp có thể bắt đầu với các dạng bài viết Long-form reviews hoặc các bài viết thiên về thông tin như demo sản phẩm, case study… Lúc này, đừng dừng lại ở những thông tin khô khan nhàm chán. Bên cạnh việc nêu bật các lợi ích chính của sản phẩm/ dịch vụ hãy thêm vào những yếu tố ‘phi lý tính’ như những cảm xúc hay thay đổi sản phẩm mang lại trong cuộc sống hàng ngày nếu họ ‘mua chúng ngay hôm nay’.
Với Google ads, bạn có thể ứng dụng các nguyên tắc trên vào mẫu quảng cáo – tiêu để và phần mô tả. Bên cạnh đó sử dụng nhiều landing page với mạch nội dung thiết kế riêng cho các mục đích khác nhau cũng có thể là lựa chọn nên cân nhắc. Lấy ví dụ về ‘phần mềm quản trị doanh nghiệp’, bên cạnh landing page với việc mô tả các tính năng thông thường, bạn cũng có thể điều chỉnh nội dung theo một chủ đề tổng như ‘quản lý điều hành từ xa’ để ‘testing’ với cảm xúc khách hàng!
Hãy thử nghiệm đi vì những kết quả bất ngờ chỉ đến từ những phép thử!
4. Transactional Intent – những từ khóa chứng tỏ đối tượng mục tiêu đã sẵn sàng mua sắm
Lúc này vấn đề không còn ở sản phẩm/ dịch vụ nữa mà đôi lúc đến từ giá tiền hay sự tiện lợi. Các từ khóa điển hình với nhóm search intent này thường đi kèm với ‘giá’/ ‘bán’/ ‘mua’… để từ đó tìm ra những ‘deal hời’ nhất.
Nếu ‘giá’ là một trong những vấn đề họ đang quan tâm thì các ‘lợi ích kinh tế’ hữu hạn sẽ là ‘mồi câu’ tốt nhất để bạn thu hút họ trên nội dung quảng cáo. Và đây ắt hẳn là điều ‘tối thiểu’ mà bất kỳ marketer nào cũng khai thác rất tốt khi đưa vào triển khai.
Ngoài ra, dù SEO hay Google ads cũng chỉ giúp bạn ‘điều hướng’ người đọc về website/ landing page. Vậy nên liệu có thể biến những cơ hội tiềm năng thành doanh thu thực tế hay không, nội dung trên trang cũng vô cùng quan trọng. Hãy thử ngẫm nghĩ về những lý do khiến họ chọn hoặc không chọn bạn và giải quyết thử nhé.
Một câu thần chú thường dùng cho trường hợp này là: ‘sản phẩm đó [A] nhưng mà [B] nên tôi vẫn chọn’. Hãy tìm cách tối thiểu hóa yếu tố tiêu cực [A] và làm bạt yếu tố tích cực [B] lên trên trang của bạn nhé. Một vài mẹo để tăng xác suất chuyển đổi như chèn review, rating hay case study thực tế trên trang cũng đã được đề cập trước đó, hãy cùng ‘bão não’ một chút và quy hoạch lại chiến lược từ ‘cách tiếp cận, thu hút’ đến ‘nội dung chốt hạ’ trên trang nhé!
Đằng sau mỗi từ khóa đều là một cánh cửa mở ra những cơ hội chuyển đổi. Vấn đề là làm thế nào để ‘gõ cửa’ những cơ hội đó và thuyết phục đối tượng mục tiêu không đóng chúng lại khi vừa ‘hé ra’. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn phần nào trong việc phân nhóm từ khóa. Tuy nhiên đừng để bản thân bị giới hạn bởi 1 khuôn khổ duy nhất. Thay vào đó hãy thử nghiệm nhiều cách chia khác nhau – ví dụ như theo hành trình khách hàng chẳng hạn.
Chỉ liên tục thử nghiệm và tối ưu, bạn mới có thể tìm ra con đường ngắn nhất để nâng cao tỷ lệ chuyển đổi. Nếu bài viết trên hữu ích với bạn, hãy cùng theo dõi những chủ đề tiếp theo của iSharedigital nhé!