Điểm chất lượng (Q.S) là gì
Q.S là chỉ số đánh giá chất lượng và tính liên quan của mẫu quảng cáo với mỗi từ khóa mà chiến dịch đang chạy cùng với trải nghiệm trang đích và CTR. Điểm chất lượng có giá trị từ 01 – 10 với giá trị càng cao càng tốt. Q.S được tính dựa vào mức độ liên quan của quảng cáo, CTR và trải nghiệm trang đích. Điểm chất lượng ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất của toàn bộ chiến dịch, giá thầu, số lần hiển thị… Do đó, điểm chất lượng là chỉ số mà các marketers cần chú ý để tối ưu khi chạy quảng cáo Google Ads.
I. Yếu tố xác định Q.S
1. Mức độ liên quan của quảng cáo
Mức độ liên quan của quảng cáo là sự kiểm định tính liên quan giữa từ khóa và mẫu quảng cáo thuộc một nhóm quảng cáo xác định trong chiến dịch của bạn. Mỗi mẫu quảng cáo được viết ra sẽ được hệ thống Google so sánh với tất cả từ khóa có trong nhóm quảng cáo cụ thể, sau đó sẽ đánh giá mức độ liên quan và đưa ra kết quả đánh giá theo 3 cấp độ như dưới đây.
Tính liên quan của quảng cáo được đánh giá theo 03 cấp độ: trên trung bình, trung bình và dưới trung bình.
Trên trung bình và trung bình: đây là 2 tình trạng không quá quan trọng để cần cải thiện ngay. Tuy nhiên, đối với tình trạng “trung bình” nhà quảng cáo có thể tối ưu hơn trong cách viết để nâng điểm chất lượng cao hơn.
Đối với “dưới trung bình” tình trạng này cho thấy mẫu quảng cáo và từ khóa có tính liên quan với nhau rất thấp. Nhà quảng cáo cần cải thiện bằng cách viết lại mẫu quảng cáo theo đúng tiêu chuẩn của Google để cải thiện điểm chất lượng.
Có nhiều yếu tố cần lưu ý trong khi viết mẫu quảng cáo để cải thiện điểm chất lượng, chẳng hạn, headline đầu và description đầu phải chứa từ khóa…
2. Chỉ số CTR
Click through rate (CTR): tỷ lệ nhấp chuột, phản ánh liệu quảng cáo của bạn có đủ hấp dẫn để người xem nhấp vào hay không. Tỷ lệ này được tính toán dựa vào số lần nhấp so với số lần hiển thị.
Công thức được tính như sau: CTR = Nhấp chuột / Hiển thị
Đơn vị: Phần trăm (%)
Khi nói về điểm chất lượng, tương tự như mức độ liên quan của quảng cáo, chỉ số CTR cũng được phân chia thành 03 cấp độ: trên trung bình, trung bình và dưới trung bình.
Đối với tình trạng “trên trung bình” đồng nghĩa Google đang đánh giá cao giữa số lần nhấp chuột trên số lần hiển thị. “Trên trung bình” cho thấy nhà quảng cáo đang làm tốt về mặt thu hút người dùng nhấp vào quảng cáo so với tổng số lần hiển thị.
3. Trải nghiệm trang đích
Trải nghiệm trang đích là chỉ số được Google đánh giá bằng cách xem xét tính liên quan và hữu ích của trang đích đối với người dùng. Tương tự như 2 chỉ số nêu trên, trải nghiệm trang đích cũng được chia thành 03 cấp độ bao gồm trên trung bình, trung bình và dưới trung bình.
II. Vì sao điểm chất lượng quan trọng
1. Tối ưu thứ hạng quảng cáo (Ad Rank)
Như đã đề cập, điểm chất lượng phản ánh tính liên quan của mẫu quảng cáo với từ khóa trong chiến dịch. Q.S cũng thể hiện mức độ đánh giá của Google với mỗi từ khóa có trong chiến dịch. Q.S càng cao, chứng tỏ quảng cáo của bạn càng chất lượng và được đánh giá là có hữu ích với khách hàng.
Google ưu tiên hiển thị những kết quả hữu ích cho người dùng, vì vậy, những từ khóa có điểm Q.S càng cao thì càng có ưu thế hiển thị trên top đầu tìm kiếm. Song song với đó là khả năng nhận được nhiều nhấp chuột và mang lại traffic cao cho website. Trong cùng một ngân sách, chiến dịch càng có nhiều nhấp chuột thì giá thầu CPC trung bình càng được tối ưu.
Điểm chất lượng và giá thầu tối đa CPC là hai yếu tố quan trọng trong số những yếu tố đánh giá thứ hạng quảng cáo Ad Rank. Vì vậy, trước khi thực hiện những cách tối ưu nâng cao hơn cho chiến dịch quảng cáo, hãy học cách tối ưu điểm chất lượng Q.S
2. Tối ưu Chuyển đổi / Mua hàng
Sẽ thế nào nếu một doanh nghiệp luôn xuất hiện trên mỗi giai đoạn trong hành trình trải nghiệm của khách hàng?
Khi người dùng chưa trở thành tiềm năng, hoàn toàn mới và họ có nhu cầu tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề ABC, lúc này doanh nghiệp của bạn đang ở đâu. Doanh nghiệp bạn có xuất hiện trong giai đoạn tìm kiếm thông tin ban đầu của người dùng mới không.
Tại giai đoạn đầu tiên, người dùng có rất nhiều luồng thông tin của nhiều đối thủ khác nhau tiếp cận đến họ. Vì vậy hãy đảm bảo chiến dịch quảng cáo của bạn luôn xuất hiện trong những lần tìm kiếm của người dùng.
Sau nhiều lần tìm kiếm thông tin trên Google, khách hàng sẽ lựa chọn vài nhà cung cấp để bắt đầu tương tác. Sau khi tìm đến và tương tác với doanh nghiệp họ sẽ để lại thông tin qua hình thức tin nhắn, gọi điện… lúc này có thể gọi đây là khách hàng tiềm năng.
Hãy cung cấp đầy đủ thông tin liên quan một cách chi tiết với thái độ nhiệt tình, nhanh chóng đảm bảo khách hàng cảm thấy hài lòng. Quan trọng hơn, hãy lấy được nhiều thông tin từ khách hàng tiềm năng càng nhiều càng tốt, doanh nghiệp có thể phân tích kỹ và sâu hơn vấn đề của khách hàng từ đó đưa ra nhiều hơn một giải pháp phù hợp với họ.
Khi khách hàng tiềm năng có đầy đủ thông tin và giải pháp phù hợp cho vấn đề của họ, liệu họ có chốt sales với doanh nghiệp của bạn không?
Vậy điểm chất lượng ảnh hưởng gì trong hành trình tìm kiếm thông tin và mua sắm của khách hàng? Nếu Q.S thấp hoặc không có, vị trí quảng cáo sẽ không cao thậm chí quảng cáo không được hiển thị thì người dùng sẽ không tìm thấy được doanh nghiệp.
Do vậy, vào thời điểm ban đầu có thể nói điểm chất lượng đóng vai trò như thỏi nam châm ngầm giúp thu hút người dùng đến với doanh nghiệp.
III. Cách tối ưu điểm chất lượng
1. Nâng cao điểm chất lượng bằng cách tối ưu ads text
Ads text hay mẫu quảng cáo là yếu tố quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến điểm chất lượng. Mẫu quảng cáo nên được viết theo chuẩn của Google và đặc biệt phải có liên quan với từ khóa tương ứng. Thông thường mỗi nhóm quảng cáo sẽ có 3 – 5 mẫu quảng cáo. Tuy nhiên, trong quá trình tối ưu, các marketers sẽ không cố định số lượng mẫu quảng cáo mà sẽ viết tối ưu nhất có thể để thu hút người dùng internet.
Tính liên quan được nhắc đến trong bài được hiểu là khi mẫu quảng cáo được viết về chủ đề có liên quan đến từ khóa, hay đơn giản hơn là có chứa từ khóa và những nội dung khác xung quanh chủ đề mà từ khóa và doanh nghiệp hướng đến. Và đừng quên mẫu quảng cáo cần phải có giá trị hữu ích và thu hút người dùng.
2. Tối ưu trải nghiệm trang đích
Trải nghiệm trang đích là một trong 3 yếu tố ảnh hưởng đến điểm chất lượng. Cũng như mẫu quảng cáo, nội dung trang đích càng liên quan đến người dùng thì Q.S càng cao.
Trang đích được đánh giá tốt thông qua các yếu tố như chất lượng nội dung, từ khóa và mật độ từ khóa, liên kết nội bộ và liên kết ngoài, thiết kế và cấu trúc website…
Khi người dùng nhấp vào quảng cáo và được dẫn đến trang đích sẽ có 4 trường hợp xảy ra, xem xét tổng quan lần lượt từng trường hợp dưới đây:
- Người dùng thoát ra ngay lập tức ngay khi nhấp vào quảng cáo, và trang đích chưa loading xong
- Người truy cập thoát ra ngay lập tức ngay khi khi trang đích vừa loading xong
- User vào trang đích và có xảy ra tương tác như nhấp chuột, cuộn xem nội dung … nhưng thời gian ở lại trang không cao
- Người dùng vào trang đích và ở lại trang với thời gian đủ lâu.
Với 4 trường hợp trên, trường hợp 1 và 2 cần được tối ưu về nhiều mặt như tốc độ load, nội dung, nội dung và cách thể hiện phần đầu trang… Cần đặt ra câu hỏi vì sao người dùng lại thoát ra khi trang chưa kịp load? Nguyên nhân người dùng thoát ra ngay khi trang vừa load xong? Cần cải thiện những điểm nào trên website để tối ưu traffic về?
Đối với trường hợp 3 cần đặt nghi vấn vì sao người dùng không ở lại lâu trên trang. Những điểm nào trên trang cần cải thiện? Đối với trang đơn và chỉ cần để lại thông tin thì tỉ lệ người dùng thoát ra nhanh là xấu hay tốt, và ngược lại với website chứa nhiều trang con ? Những trang nội dung nào được người dùng xem nhiều, và những trang nào người dùng chỉ lướt qua nhanh và khách hàng thoát ra khỏi website tại trang nào?
Trường hợp 4, hầu như tất cả các marketer đều mong muốn đạt được. Tuy nhiên, vẫn cần được tracking để biết được đâu là nội dung thu hút khách hàng và đâu là nội dung khiến họ thoát nhanh? Số lượng trang web mà khách hàng đã đọc qua cũng như thời lượng ở lại trên web là bao lâu trước khi họ để lại thông tin đăng kí?…
Thông qua 4 trường hợp cơ bản trên, iSharedigital tin rằng bạn có thể hình dung và hiểu được cách thức để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên trang đích và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
3. Tối ưu CTR
Tỉ lệ nhấp chuột (CTR) một trong những yếu tố Google đánh giá để đưa ra điểm chất lượng từ khóa. CTR càng cao, điểm chất lượng sẽ càng được tối ưu và ngược lại. Để cải thiện CTR cần cải thiện tính thu hút của quảng cáo đối với người dùng. Từ đó nâng cao số nhấp chuột trên tổng số lần hiển thị của quảng cáo.
Bên cạnh đó, giá thầu CPC cũng ảnh hưởng đến CTR, giá thầu quá thấp sẽ khiến quảng cáo không đủ cạnh tranh để được hiển thị trên trang đầu hoặc thậm chí không được hiển thị. Do đó, cân đối giá thầu phù hợp, tối ưu mẫu quảng cáo để có tỉ lệ nhấp chuột mong muốn.
4. Phủ định và bổ sung từ khóa
Từ khóa – một trong những yếu tố chính và quan trọng trong quảng cáo Google Ads. Về cơ bản trong chiến dịch quảng cáo sẽ bao gồm từ khóa chạy quảng cáo được setup ban đầu và cụm từ tìm kiếm của người dùng.
Cụm từ tìm kiếm là những từ mà người dùng internet search trên các công cụ tìm kiếm Chrome, Bing, Cốc Cốc …
Phủ định từ khóa là việc chọn lọc những cụm từ tìm kiếm không hiệu quả nhưng lại phát sinh chi phí để loại bỏ đi. Việc này giúp tối ưu về mặt chi phí quảng cáo đồng thời điều hướng những truy vấn tìm kiếm phù hợp về trang đích.
Bổ sung từ khóa là việc chọn lọc những từ có chuyển đổi trong cụm từ tìm kiếm của người dùng để thêm vào danh sách từ khóa. Hoạt động này nhằm tối ưu số lượng chuyển đổi và tối ưu nhóm từ khóa cho chiến dịch đang chạy. Bổ sung từ khóa mà người dùng tìm kiếm có chuyển đổi giúp tăng khả năng hiển thị của quảng cáo cho những lần tìm kiếm khác và tăng khả năng nhấp chuột từ người dùng, tối ưu CTR, tối ưu điểm chất lượng Q.S.