Nên hay không xây dựng chiến lược digital marketing cho vùng nông thôn khi ‘miếng bánh’ thị thành lúc nào cũng là tâm điểm xâu xé? Liệu thay vì bon chen phố lớn, ‘về nuôi cá và trồng thêm rau’ có thể là động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp?
Đánh giá lại tiềm năng thị trường nông thôn
Nông thôn vẫn luôn là một ‘mỏ vàng’ cho các thương hiệu khai thác bởi nơi đây tập trung tới 63% tổng dân số và hơn 60% GDP cả nước. Với sự hỗ trợ của nhiều chính sách phát triển của nhà nước, khu vực cùng nỗ lực tự thân dựa trên lợi thế vùng miền, những cư dân khu vực nông thôn đang ngày một ‘giàu’ hơn trong những năm gần đây. Theo báo cáo từ GSO Vietnam, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể trong 10 năm trở lại – chỉ còn 8% tổng dân số, đồng thời khoảng cách chi tiêu giữa thu nhập tại nông thôn – thành thị cũng đang dần được thu hẹp ở nhiều khía cạnh.
Dựa trên báo cáo của kantar Worldpanel, ở một số ngành như FMCG, xu hướng tiêu dùng ở nông thôn đã không thua kém gì trung tâm thành thị. Một số lĩnh vực thậm chí còn có phần trội hơn như nhà ở, tiết kiệm, đầu tư… Một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tiện ích gia đình, di chuyển đi lại… dù còn chênh lệch giữa nội thành, ngoại thành nhưng không quá lớn trước tốc độ phát triển hiện tại. Điều này cũng mở ra những thị trường ngách nhưng đủ sâu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi ‘thành phố’ đã quá chật chội và bon chen!
Dù không thể phủ nhận tiềm năng của thị trường nông thôn trong tương lai gần nhưng ở một góc độ nào đó, tốc độ ‘thành thị hóa’ của các khu vực vùng miền vẫn có sự phân hóa khá rõ nét. Chẳng hạn tốc độ phát triển ở khu vực:
- Sông Hồng và phía Đông Nam đạt khoảng 63%
- Trung tâm Nam bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long xấp xỉ 30%
- Cao nguyên khu vực miền Trung và phí Bắc giao động từ 15.5% đến 22.5%
Thế nên khi phát triển chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nên phân tích, đánh giá cụ thể từng khu vực để đưa ra giải pháp tối ưu thay vì giả định ‘cơ hội ngang nhau’ trên mọi vùng miền.
Đánh giá lại tiềm năng của chiến lược digital marketing tại vùng nông thôn
Đối với dân thành thị khi phát triển chiến lược digital marketing cho vùng nông thôn – mảnh đất tưởng chân chất, chân phương đầy dễ đoán nhưng hóa ra lại hoàn toàn khác xa trí tưởng tượng của họ – đôi lúc những giả định sai lệch ngay từ ban đầu sẽ dẫn tới tình trạng ngân sách ‘chảy về hư không’, tốn tiền, tốn thời gian nhưng không đem lại hiệu quả.
Dưới đây là 3 hiểu nhầm điển hình của người làm quảng cáo và chiến lược khi triển khai các chiến dịch digital marketing nhắm tới vùng nông thôn:
Hiểu nhầm 1: Vùng nông thôn chỉ phù hợp sử dụng phương thức quảng cáo truyền thống
Vùng nông thôn chỉ phù hợp sử dụng phương thức quảng cáo truyền thống, điều này chỉ đúng với 5-10 năm trước. Từ 2018 đến nay, nông thôn đã có những bước chuyển dịch mới khi sự xâm nhập của internet – lần đầu tiên trong lịch sử – đã vượt qua độ phổ biến đang suy tàn của TV. Nhiều hình thức hiện đại như digital marketing và mobile marketing cũng đang dần khẳng định vị thế của mình đặc biệt khi thời gian sử dụng điện thoại đang ngày 1 tăng!
Theo dữ liệu từ nhiều nguồn như Cốc Cốc, Consumer Barometer:
- 77% khu vực nông thôn đã được kết nối internet
- Trong đó 91% sử dụng internet hàng ngày cho các mục tiêu mua sắm, giải trí, sức khỏe và giáo dục.
- Trung bình, khách hàng truy cập internet 149 phút mỗi ngày – đây cũng là cơ hội để các thương hiệu tiếp cận để kích hoạt nhu cầu
Bên cạnh đó, đặc điểm nổi bật của khu vực nông thôn là nhu cầu kết nối cao do những người con, bạn bè đang chuyển dịch dần lên thành phố. Ở chiều ngược lại, các thành phố lớn cũng tạo ra nguồn cảm hứng và chuẩn mực mới cho nông thôn: cái gì trên phố có, nông thôn cũng phải có. Các hình thức giải trí hay phong cách mới dần dần du nhập về vùng thôn quê đồng thời đẩy nhanh tiến độ ‘hiện đại hóa’ nông thôn.
Và trên thế giới số vốn không biên giới, khoảng cách, những trào lưu xu thế đang nổi sẽ không chỉ phổ biến mỗi vùng thị thành nói riêng!
Nhìn sâu hơn về chiến lược digital marketing cho vùng nông thôn, mạng xã hội vẫn đóng vai trò then chốt trong chiến lược kênh. Khi nhắc đến các mạng xã hội hiệu quả dành cho nông thôn, ta thường nghĩ ngay đến zalo. Tuy vậy đây chỉ là kênh đứng vị trí thứ 2 sau Facebook. Kế đó là Youtube và mạng xã hội đình đám đang nổi lên hiện nay – Tiktok!
Thường thì các hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội của người dùng là:
- Xem stories từ bạn bè – 69%
- Mua sắm qua các tin livestream bán hàng – 35%
- Nhắn tin cho chủ cửa hàng – 24%
Trước xu thế, hành vi ngày càng tiệm cận ‘cư dân thành phố’, thương hiệu cần cân nhắc lại chiến lược digital cho vùng thôn quê để có mặt đúng lúc, đúng nơi và đón đầu những thay đổi mới trong vài ba năm tới!
Hiểu nhầm 2: Cư dân tỉnh thành không rành công nghệ
Công nghệ 3g, 4g cùng độ phổ cập của smartphone khiến vùng nông thôn đang có những bước chuyển mình nhanh chóng. Cứ 100 người lại có ít nhất 92 người dùng điện thoại thông minh, cứ 2 nhà lại có ít nhất một nhà sở hữu smart TV. Và 47% trong số họ đang sử dụng đồng thời nhiều ‘màn hình’ cùng lúc.
Do đó thay vì lầm tưởng người dân vùng tỉnh không rành công nghệ như các định kiến về thế hệ trước, ở một góc độ nào đó, họ là những người đang kế thừa và hấp thu những xu hướng mới dù xuất phát điểm có phần chậm hơn những thành phố trung tâm!
Nhìn chung khi so sánh với 2018, tất cả các hoạt động trên digital đều có xu hướng tăng lên, đặc biệt là các hoạt động chính như xem video, theo dõi livestream, mua sắm, chat và tương tác với bạn bè. Đặc biệt ở nhóm đối tượng trẻ, các hành vi xem video trực tuyến đã tăng gấp 2 so với dữ liệu 2018. Các nền tảng video phổ biến được sắp xếp giảm dần theo thứ tự sau:
- Youtube – 99%
- Facebook – 97%
- Tiktok – 67%
- Instagram – 28%
Điều đặc biệt là khác với hành vi thành phố là ở các đại đô thị người dùng thường xem video nhiều hơn vào buổi tối, cư dân tỉnh thành lại có xu hướng ‘tiêu thụ’ nhiều nội dung video xuyên suốt cả ngày đặc biệt là vào giờ ăn trưa và khoảng thời gian sau ăn tối.
Và điểm cần lưu ý thứ 2 là với những người dùng ‘ghiền video’ thì Facebook với những chức năng mới lại là lựa chọn chính của họ thay vì ‘bó mình’ trên những gợi ý từ youtube như vài năm trước đây.
Bởi vậy khi phát triển các chiến lược digital marketing cho nông thôn và các tỉnh thành, các marketer cần cân nhắc kỹ về đối tượng mục tiêu để lựa chọn kênh phù hợp cho các định dạng video mang tính giải trí cao nhất là trong các mùa cao điểm như Tết!
Hiểu nhầm 3: Người dân tỉnh thành không mua sắm trực tuyến
Dưới ảnh hương của đại dịch Covid-19, tầm ảnh hưởng của các thương mại điện tử đang dần mở rộng ra toàn quốc, trong đó phải kể đến các vùng nông thôn có điều kiện kinh tế, hạ tầng phát triển. Với nhiều công cụ, chức năng như ví điện tử, livestream, các trang thương mại điện tử đang ‘gạt bỏ’ dần dần các trở ngại của khách hàng trên hành trình mua sắm như:
- Khó khăn trong việc tương tác với chủ shop/ thương hiệu
- Không trải nghiệm sản phẩm trực tiếp được (khắc phục bằng video demo và các review thực tế)
- Khám phá những sản phẩm mới theo sở thích cá nhân và nhu cầu hiện tại
Có thể nói các trang thương mại điện tử đang ngày càng tối đa trải nghiệm khách hàng (CX) trên hành trình mua sắm để khai phá miếng bánh ‘màu mỡ’ ở khu vực nông thôn/ tỉnh thành. Đây cũng là cơ hội cho các thương hiệu tiếp cận tầng lớp trung lưu khu vực ngoại tỉnh – thị trường vốn đã được các trang TMĐT mở đường!
Theo báo cáo, so với 2 năm trước đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến ở các vùng quê đã tăng 46% trong 2020. Và không quá để dự đoán, nhóm tuổi từ 15-34 vẫn là đối tượng chính đang định hình nhu cầu này!
Bên cạnh các trang thương mại điện tử, Facebook cũng là nền tảng khả quan cho việc ‘bán hàng’. 52% trong số người dân tham gia khảo sát đánh giá Facebook là kênh ưa thích của họ trong việc mua sắm, và 72% chủ động tương tác với thương hiệu. Một cách khách quan, mạng xã hội vẫn là kênh có lợi thế hơn về tính tương tác và trải nghiệm cá nhân khi tương tác trực tiếp với thương hiệu.
Bởi vậy, nhiều thương hiệu lớn đã dùng mạng xã hội như một bước đệm tiến quân tới vùng tỉnh thành – chẳng hạn Kiehl’s – thương hiệu đạt 1.8% về ROI, 22% tăng trưởng về sales và 300% tỷ lệ chuyển đổi mỗi tuần!
Đã đến lúc đánh giá lại chiến lược digital marketing tương lai!
Tốc độ số hóa ‘toàn quốc’ đang được thúc đẩy ngày càng nhanh và lan tỏa đến mọi vùng miền tổ quốc. Đây cũng là lúc doanh nghiệp phải để tầm nhìn hướng rộng ra xa thay vì chỉ mãi quẩn quanh trong khu vực nội thành. Lấy các ngành thời trang, mỹ phẩm làm ví dụ chẳng hạn, ai nói khu vực tỉnh thành không tiêu thụ các thương hiệu cấp cao?
Thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp giải quyết phân phối. Internet toàn quốc đã giúp thương hiệu tương tác, chăm sóc khách hàng ngoại thành dễ dàng hơn. Các micro influencer, KOL đã thiết lập những sở thích, thói quen mới mà lớp trẻ đang hướng tới dù bất cứ đâu. Đã đến lúc doanh nghiệp nên rời mắt khỏi các thành phố lớn và nhìn về những ‘miếng bánh’ dễ ăn hơn ở khắp mọi nơi trải dọc đất nước!
Để tìm hiểu thêm về các cách xây dựng chiến lược digital marketing hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, hãy dành chút thời gian nghiền ngẫm thêm qua các bài viết dưới đây nhé: