Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không phải câu chuyện quá xa xôi mà là điều kiện cần để tiếp tục tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên đầy biến động.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là gì?
Chuyển đổi số (digital transformation) là khái niệm được hình thành từ sự ra đời của ‘website’ vào những năm 90s. Lúc này, xây dựng website doanh nghiệp có thể hiểu nôm na là hình thức sơ khai của quá trình di cư lên nền tảng số đồng thời cũng là làn sóng mạnh mẽ tại Việt Nam khoảng 10-15 năm trước.
Theo thời gian, khái niệm chuyển đổi số ngày càng trở nên phức tạp trước những tính năng đa dạng trong thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, điện thoại thông minh, nền tảng giao tiếp kết nối…. Khi được phỏng vấn, đa phần doanh nghiệp thường định nghĩa chiến lược ‘số hóa’ bằng những thay đổi trong việc ứng dụng:
- AI tools
- Big Data
- Dữ liệu đám mây
- Neural Machine learning
- Công nghệ in 3D
- Công nghệ AR
- Tự động hóa quy trình
Mục tiêu chính của những ứng dụng này thường là mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tối đa, từ quá trình tương tác đến khi sử dụng sản phẩm/ dịch vụ; từ online đến offline… Theo nghiên cứu, đặt khách hàng làm trọng tâm cho kế hoạch ‘số hóa’, doanh nghiệp có thể tạo ra sự bứt phá từ 20-50% trong doanh thu. Đặc biệt trong kỷ nguyên mà sự đồng cảm, kết nối là ‘động lực’ tăng trưởng mạnh mẽ cho mọi thương hiệu sau cơn đại dịch, doanh nghiệp càng cần chú trọng hơn đến cảm nhận khách hàng.
Một cách khái quát, chuyển đổi số là giải pháp giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua tích hợp công nghệ vào thay đổi toàn diện mô hình doanh nghiệp. Lý tưởng nhất, quy trình này nên bắt đầu từ ‘hành trình khách hàng’ để tìm ra cơ hội chưa được khai phá, từ đó lựa chọn những ứng dụng công nghệ tối ưu trong khả năng nguồn lực.
Vậy đâu là những xu hướng công nghệ đang thúc đẩy cuộc ‘chuyển dịch’ mạnh mẽ tại Việt Nam cũng như trên thế giới? Những công nghệ mới này được đưa vào thực tiễn ra sao? Cùng iSharedigital điểm nhanh qua 5 xu hướng dưới đây nhé!
5 xu hướng công nghệ đang định hình cuộc đua chuyển đổi số 2020
1. Ứng dụng CRM trong khai thác tiềm năng dữ liệu
Theo Net Solutions, ‘tối ưu tiềm năng dữ liệu sở hữu’ là bí quyết chung của 54% doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số. Trong số đó, 36% doanh nghiệp lựa chọn xây dựng hệ thống đấu nối dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm đảm bảo tính nhất quán, liền mạch trong trải nghiệm khách hàng.
Nhớ lại mà xem, đã bao giờ bạn liên tiếp nhận được cuộc gọi của cùng một doanh nghiệp hay chưa? Bị ‘nhân bản’ liên tục trong danh sách gọi điện hay nhân viên tư vấn lặp lại những câu hỏi cũ chỉ là một trong những hệ quả dễ thấy của sự ‘đứt gãy’ trong quy trình quản trị dữ liệu. Thiếu cái nhìn tổng quát khi chạy ad đa kênh sẽ dễ khiến doanh nghiệp không chỉ bỏ lỡ nhiều insight hữu ích trong quảng cáo mà còn cả những cơ hội tăng trưởng từ phát triển, cải tiến sản phẩm.
Để xâu chuỗi dữ liệu từ nhiều kênh, nhiều bộ phận, CRM – hệ thống thu thập, lưu trữ và phân tích tiềm năng khách hàng – là xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến. Ưu điểm của hệ thống này là:
- Kết nối số liệu từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng chân dung (persona) hay phân nhóm khách hàng
- Cá nhân hóa chiến lược tiếp cận cho từng đối tượng mục tiêu dựa trên dữ liệu phân tích
- ‘Học’ dữ liệu trong quá khứ để đánh giá xác suất ‘chốt sales’ của từng đối tượng tiềm năng
Và nếu có thể phối hợp CRM với các ứng dụng từ trí thông minh nhân tạo, đây sẽ là bước ngoặt giúp doanh nghiệp kéo dài khoảng cách với những đối thủ cạnh tranh!
-> Cập nhập ngay những hệ thống CRM tốt nhất cho marketing và sales 2020!
2. Đấu nối các giải pháp dựa trên ‘điện toán đám mây’ (cloud)
Hiểu nôm na, giải pháp này là những hệ thống, phần mềm được cung cấp dưới dạng dịch vụ trả phí định kỳ (SaaS – software as a service), chẳng hạn Gmail, Dropbox, Hubspot, Salesforce…
Thay vì tích hợp các xu hướng công nghệ mới vào mô hình hoạt động, doanh nghiệp có thể cân nhắc bắt đầu quá trình chuyển đổi số thông qua đấu nối các dịch vụ điện toán đám mây. Sở dĩ như vậy là bởi, theo thời gian,
- Những ứng dụng đang sử dụng có thể trở nên lỗi thời do không tương thích cùng nền tảng mới – Chẳng hạn doanh nghiệp có thể tự lập trình website nhưng lại khó đấu nối với tính năng mới được phát triển riêng cho các nền tảng có đông người dùng.
- Hoặc một công nghệ đơn lẻ đôi khi không thể thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu doanh nghiệp – Ví dụ như những phần mềm gửi email cũ không tích hợp machine learning để tự động phân tích hay học dữ liệu.
Để đáp ứng những nhu cầu không ngừng phát triển qua năm tháng, doanh nghiệp nên suy nghĩ về những dịch vụ điện toán đám mây có khả năng đấu nối với nhau để tạo ra một chuỗi tuần hoàn. Hệ thống CRM là một ví dụ bởi không chỉ thu thập và quản lý dữ liệu đây còn là nơi kết nối nhiều công cụ như:
- Tự động hóa email marketing/ remarketing
- Machine learning
- Thiết kế landing page
- Kết nối các phần mềm tương tác khác như live chat, messenger, điện thoại…
- Biểu đồ hóa số liệu
- Và còn nhiều hơn nữa
3. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyển đổi số
Đây là xu hướng ứng dụng AI với mục đích tạo ra môi trường nơi con người và ‘máy móc’ có thể hợp tác với nhau để khai thác tối đa tiềm năng từ dữ liệu.
Điều chỉnh mô hình, chiến lược kinh doanh theo các ứng dụng từ trí thông minh nhân tạo – nghe thì có vẻ xa vời thực tế với doanh nghiệp Việt nhưng lại là hướng tiếp cận đầy cơ hội cho nhiều lĩnh vực như chăm sóc khỏe y tế. Trên thế giới, đây cũng là xu hướng mà hơn 57.7% doanh nghiệp trong ngành sức khỏe cân nhắc cho cuộc cách mạng số hóa của mình. Hãy nghĩ thử đến việc tích hợp chatbot có khả năng đặt câu hỏi, phỏng đoán tình trạng sức khỏe bệnh nhân và linh động xếp hẹn với bác sĩ phù hợp mà xem, có lẽ bạn sẽ thấy đây không phải quá mới đâu!
4. Tối đa hóa trải nghiệm khách hàng từ ‘Internet of Thing’
Internet of Thing (IoT) – hay tạm hiểu là những thiết bị mang đến kết nối và làm những trải nghiệm số trở nên thú vị hơn.
Nếu chiến lược số là những thay đổi mang tính công nghệ để thắt chặt mối gắn kết giữa thương hiệu và khách hàng thì IoT có thể là bước đầu tiên. Bởi lẽ, bất kỳ doanh nghiệp, ngành nghề nào, dù lớn hay nhỏ, đều có thể bắt đầu di cư lên môi trường số thông qua những nền tảng giúp số hóa sản phẩm của mình. Chẳng hạn, doanh nghiệp bán nội thất ứng dụng công nghệ AR cho phép khách hàng mang sản phẩm vào không gian thực thông qua camera điện thoại; hoặc ngành bất động sản dùng VR giúp đối tượng tiềm năng trải nghiệm nhà mẫu…
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hay chăm sóc sức khỏe cũng nên cân nhắc về xu hướng quan trọng này
5. Chuyển đổi số doanh nghiệp bằng cách kết nối chuỗi cung ứng
Đây là xu hướng ứng dụng công nghệ để tối ưu trải nghiệm các thành viên trong chuỗi cung ứng.
Hiểu một cách đơn giản, hãy coi chuỗi cung ứng là các bộ phận trên cơ thể. Mỗi bộ phận phản ứng với sự thay đổi ngoài môi trường để toàn cơ thể một cách độc lập rồi tương tác với nhau để có những điều chỉnh thích hợp và đồng bộ. Và lúc này, nhiệm vụ của doanh nghiệp là sử dụng những công nghệ, ứng dụng mới giúp tốc độ phản ứng nhanh hơn hay đảm bảo quá trình ‘trao đổi’ thông tin diễn ra xuyên suốt, minh bạch theo thời gian thực – chẳng hạn ứng dụng machine learning để tạo ra các thuật toán riêng để hiểu về sự thay đổi trong hành vi khách hàng, từ đó thay đổi toàn bộ mô hình trong chuỗi cung ứng!
Chuyển đổi số đang là quá trình diễn ra ngày càng nhanh, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Muốn ‘bật dậy’ nhanh và thoát ra sự xáo trộn do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ ngay hôm nay khi ‘những ông lớn’ quá cồng kềnh để thay đổi tức thì còn những startup còn đang trì trệ vì vốn. Nếu bạn cần một vài gợi ý giúp đẩy nhanh quá trình số hóa doanh nghiệp, tham khảo ngay ‘digital transformation framework’ hoặc đặt hẹn với iSharedigital để được tư vấn tường tận!