Data Driven Marketing: bí mật đằng sau tốc độ xâm lấn thần tốc của những doanh nghiệp biết tận dụng ưu thế dữ liệu

17 Phút Đọc

Data Driven marketing là gì? Vì đâu mà Netflix, Spotify lại khiến khách hàng Việt vốn đã quen với việc ‘xem chùa’ lại sẵn sàng trả phí cho những thước phim, bản nhạc dễ dàng tìm thấy trên mạng? Vì đâu tiki, shopee hay các trang thương mại điện tử khác lại sẵn sàng chịu lỗ để giữ chân người dùng? Cùng iSharedigital tìm hiểu xu hướng marketing dựa trên ‘dữ liệu số’ qua bài viết dưới đây nhé!

Data Driven Marketing là gì?

Data Driven Marketing là phương thức marketing sử dụng dữ liệu về hành vi, sở thích, động lực của khách hàng mục tiêu để làm cơ sở chiến lược cho các định hướng vón không thể quyết định bằng trực giác hay kinh nghiệm. Những quyết định này không chỉ giới hạn trong quảng bá thương hiệu mà diễn ra xuyên suốt toàn bộ quá trình từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm/ dịch vụ cho đến khi tung ra thị trường và được đón nhận.

Dễ hiểu hơn, data driven marketing có thể coi như một hình thức nghiên cứu thị trường trong thời đại số. Tuy nhiên thay vì tổ chức những buổi phỏng vấn định tính hay khảo sát định lượng để thu về những kết quả đôi lúc ‘giàu cảm tính’, doanh nghiệp lại lý giải suy nghĩ thực tế của đối tượng mục tiêu nhờ bí mật quan sát hành vi và yên lặng ‘theo dấu’ tương tác của họ trên môi trường số. 

Sở dĩ như vậy là bởi lời nói đôi lúc sẽ bị bóp méo trước áp lực từ thiên kiến xã hội và lòng tự ái cá nhân nhưng những hành vi vô thức lại luôn ‘thật thà’. Lấy ví dụ về thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực bao cao su chẳng hạn, nếu thực hiện khảo sát truyền thống về tần suất sử dụng, câu trả lời nhận được sẽ rất khó phản ánh đích thực bản chất bên trong:

  • Nam có xu hướng gia tăng tần suất khi được hỏi
  • Nữ có xu hướng nói giảm đi nhiều lần nếu được phỏng vấn

Ngược lại nếu thông qua các hệ thống đo lường từ trang thương mại điện tử, đôi lúc kết quả sẽ rất khác dù tất nhiên những đối tượng trên digital không thể đại diện hết cho mọi tệp khách hàng!

Vì sao marketing dựa trên dữ liệu số quan trọng?

Chúng ta luôn đưa ra những quyết định cảm tính rồi điều chỉnh lại những lựa chọn ‘sai trái’ bằng những lập luận đầy thuyết phục. Hãy nghĩ về những món đồ bạn mua trong đợt giảm giá mới đây, phải chăng sẽ có 1,2 món đồ được đặt vào giỏ hàng với lý do ‘tương lai sẽ cần tới’?!

Dù luôn tự nhận bản thân là người lý tính nhưng phần lớn những quyết định của chúng ta lại bị chi phối bởi cảm xúc/ sự khao khát sâu thẳm bên trong. Và cảm giác thích thú bỗng dưng ập tới, mãnh liệt thôi thúc bạn phải sở hữu ngay món đồ trước mắt chính là ‘cỗ máy’ thao túng suy nghĩ cũng như hành vi của bạn. Khơi dậy được cảm giác đó, doanh nghiệp sẽ là người ‘điều hướng’ hành vi và chuyển đổi đối tượng tiềm năng thành khách hàng trong cả ngắn hạn, dài hạn!

Ứng dụng data driven marketing vào thực tế, doanh nghiệp có thế ‘khắc họa’ sơ bộ chân dung khách hàng mục tiêu cũng như những động lực, hành vi của họ mà từ đó bạn có thể điều chỉnh sản phẩm/ dịch vụ hay các chiến lược marketing & sales mang tính cá nhân cao cho từng đối tượng.

Lấy Netflix làm ví dụ. Nếu các nhà sản xuất phim thường bắt đầu với một kịch bản ‘có vẻ tiềm năng’ và hy vọng sẽ tạo được tiếng vang lớn trên thị trường thì Netflix là ‘con ngựa ô’ đi ngược thị trường – dựa trên dữ liệu về thể loại phim có xu thế được ưa thích, từ đó đẩy mạnh đầu tư vào những series phù hợp để mang đến những ‘loạt bản gốc’ được đón nhận rộng rãi trên thị trường.

Tương tự Spotify cũng dựa vào dữ liệu người dùng để thổi vào danh sách gợi ý những giai điệu mang tính cá nhân cao khiến user nghe hoài không chán! Và với các sàn thương mại điện tử, ‘dữ liệu lớn’ nếu được ứng dụng hợp lý cũng là ‘kim chỉ nam’ giúp cấp quản lý quyết định những mặt hàng nào nên phải đẩy mạnh; những sản phẩm nào phù hợp cho từng đối tượng mục tiêu; đâu là sản phẩm khách hàng đã mua và có thể sẽ quan tâm… 

Vậy dữ liệu số thường được các doanh nghiệp ứng dụng ra sao?

2 ứng dụng chính của dữ liệu số vào marketing

1. Phát triển sản phẩm/ dịch vụ mới hoặc điều chỉnh những giá trị đang cung cấp

Khi tình hình kinh doanh đang tốt bỗng dưng chững lại hoặc doanh nghiệp đã chạm tới ‘vùng trũng tăng trưởng’, không thể tiếp tục mở rộng thị phần, đôi lúc bạn cần cân nhắc:

  • Nên phát triển sản phẩm/ dịch vụ mới cho khách hàng cũ?
  • Nên tìm tệp đối tượng mới cho sản phẩm/ dịch vụ đang cung cấp?
  • Hay nên phát triển sản phẩm/ dịch vụ mới cho thị trường mới?!

Dựa vào phân tích dữ liệu, bạn sẽ tìm thấy những nhu cầu mới, đòi hỏi mới cũng như những lý do khiến khách hàng đang rời bỏ bạn. Qua đó, lựa chọn những hạng mục cốt yếu để cải thiện và làm thay đổi cuộc chơi.

Lấy ví dụ như ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 chẳng hạn, sự ‘dè dặt’ khi những đợt bùng phát lúc nào cũng có thể xảy ra đã hình thành lên những nhu cầu tương tác/ giao tiếp mới. Đó cũng là nguyên nhân thúc đẩy cuộc đua ‘số hóa’ và thổi vào sản phẩm/ dịch vụ cũ những giá trị thời đại như:

  • Trung tâm anh ngữ phát triển các lớp học trực tuyến
  • Công ty nội thất cho phép sử dụng công nghệ AR để ướm thử sản phẩm vào mọi ngóc ngách trong không gian sống ngay cả khi không bước khỏi nhà

Khi đã ‘bắt mạch’ được những thay đổi trong nhu cầu thị trường, việc tìm được lối đi phù hợp sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi lụi trong bóng tối với vốn kinh nghiệm không hẳn lúc nào cũng đúng!

2. Cá nhân hóa nội dung quảng cáo để mang thông điệp đến đúng người đúng lúc, đúng nơi

Dù chiến lược quảng cáo của bạn là performance marketing hay inbound marketing, sự cá nhân hóa trong nội dung vẫn là yếu tố ‘then chốt’ nhất bởi lẽ:

  • Mỗi một nội dung quảng cáo chỉ có chưa tới 3 giây để thuyết phục khách hàng dừng lại và đọc. Nếu bạn cứ nhàm chán với những điều nhàm chán cho số đông trong khi sản phẩm, dịch vụ ‘sinh ra’ để giải quyết một vài thách thức nhất định, quảng cáo sẽ là ‘ô cửa rộng’ để doanh nghiệp ‘ném tiền’!
  • Hàng ngày khách hàng mục tiêu luôn bị bủa vây với hàng trăm, ngàn thông điệp khác nhau. Nếu không  chạm tới insight hay ‘kích hoạt’ được cảm xúc ‘cần ngay, cần gấp’ của họ, thông điệp của bạn cũng giống như những mẫu quảng cáo mà bạn không thể nhớ tên!
  • Cá nhân hóa về nội dung đồng thời đưa thông điệp tiếp cận đúng người sẽ giúp bạn chứng minh những giả định của mình là đúng hay sai, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang phân vân giữa nhiều yếu tố.

Bởi vậy, với hệ thống dữ liệu đủ lớn, bạn có thể đào sâu, phân từng nhóm đối tượng theo những đặc trưng riêng để từ đó phát triển và thử nghiệm những chiến lược tiếp cận tối ưu nhất. Giờ hãy thử trả lời một vài câu hỏi dưới đây nhé:

  • Bạn đang chia khách hàng mục tiêu thành bao nhiêu nhóm?
  • Đâu là những đặc tính riêng của từng nhóm
  • Bạn có xây dựng chiến lược tiếp cận riêng cho từng nhóm hay không? Đâu là cơ sở để bạn xây dựng chiến lược tiếp cận

Nếu bạn vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển những chiến lược mang tính cá nhân cao cho từng đối tượng, vậy hãy để iSharedigital giúp bạn từ bước đầu tiên qua bài viết sau nhé: hướng dẫn xây dựng chân dung khách hàng hiệu quả theo trường phái inbound marketing.

Ngoài ra khi đã xây dựng được những chiến lược nội dung mang bản sắc riêng của đối tượng hướng tới, kế tiếp bạn sẽ cần xác định được làm thế nào để đưa những nội dung này tới đúng người. Lúc này, có thể bạn sẽ cần một hệ thống với khả năng tích hợp dữ liệu đa kênh và phân tích tự động những đặc tính chung để phân nhóm đối tượng tiềm năng trước khi gửi email hay remarketing trên mạng xã hội!

Làm thế nào để xây dựng hệ thống quản lý và phân tích dữ liệu tối ưu cho hoạt động quảng cáo?

Đối với đa số doanh nghiệp, việc xây dựng chiến lược dựa trên số liệu không khó bằng việc thu thập đủ dữ liệu thiết yếu để làm điểm tựa cho các phương án/ chiến lược tương lai. Thực tế đây cũng là vấn đề không ít các doanh nghiệp kinh doanh/ quảng bá theo mô hình truyền thống đang phải đối mặt khi độ ‘nhạy số’ của họ luôn tỷ lệ nghịch với độ cồng kềnh trong cấu trúc!

Ngược lại những startup trẻ, những mô hình kinh doanh được xây dựng trên nền tảng công nghệ lại có sức bật nhanh hơn trong ‘cuộc chiến số’ bởi ngay từ đầu hộ đã luôn đặt ‘dữ liệu’ làm trọng tâm cho định hướng phát triển đường dài. Netflix và Spotify là ví dụ điển hình. Thiếu đi sự ‘thấu hiểu’ về sở thích người dùng, những thương hiệu này cũng chỉ là những nền tảng có thể thay thế bởi bất kỳ ai!

Thế nên nếu bạn không muốn trả phí liên tục cho các công ty nghiên cứu thị trường đồng thời muốn xây dựng bộ dữ liệu ‘sống’ được liên tục cập nhập theo thời gian thực, đã đến lúc bạn cần đầu tư vào những hệ thống quản trị dữ liệu và thông tin khách hàng:

  • Nếu doanh nghiệp hoạt động với quy mô nhỏ – chẳng hạn trung tâm anh ngữ, phòng khám nha khoa, spa thẩm mỹ… đôi lúc bạn chỉ cần xây dựng những hệ thống nhỏ trên Google Sheet để quản trị những thông tin cơ bản như nhân khẩu học, khu vực sinh sống, tần suất hay mức điểm anh văn…
  • Nếu doanh nghiệp có quy mô lớn và yêu cầu tính bảo mật cao như các ngành tài chính, ngân hàng, hay thương mại điện tử, việc phát triển đội ngũ kỹ thuật để xây dựng và liên tục tối ưu hệ thống là quyết định không mấy khó khăn.
  • Thế nhưng nếu bạn là doanh nghiệp tầm trung – là gánh nặng khi nuôi riêng một đội kỹ thuật và Google Sheet không thể thỏa mãn những yêu cầu bạn đang tìm kiếm, có thể bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ từ bên thứ 3 với các hệ thống CRM được thiết kế riêng cho từng mục đích.

Một cách tóm gọn, hệ thống CRM hay Customer relationship management là hệ thống có khả năng:

  • Tích hợp dữ liệu từ nhiều kênh, nhiều nền tảng hay bộ phận doanh nghiệp về một giao diện duy nhất
  • Có chức năng tối ưu cho từng bộ phận sales, marketing và customer service đồng thời hỗ trợ kết nối sức mạnh từ các phòng ban để tạo ra hành trình liền mạch giúp biến người lạ thành khách quen, khách quen thành đại sứ quảng bá cho thương hiệu.
  • Là nền tảng cốt lõi của nhiều hệ thống tự động như đo lường mức độ tiềm năng của từng đối tượng, gửi email marketing automation hay remarketing…

Để hiểu sâu hơn về hệ thống CRM – cách ứng dụng và ưu điểm của từng hệ thống, tham khảo thêm tại:

Hoặc liên hệ ngay với iSharedigital để được tư vấn và hỗ trợ dùng thử những hệ thống phù hợp nhất với nhu cầu và ngân sách doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết này
Content writer có thiên hướng media. Hướng tới mục tiêu full stack marketer. Mạnh về các nền tảng quen thuộc như Facebook, Google và đang hoàn thiện kỹ năng, kinh nghiệm còn thiếu trong inbound marketing - nơi có thể tận dụng triệt để ưu thế bản thân
Để lại một bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Exit mobile version