Email marketing không phải kênh độc lập có thể mang đến hiệu quả tức thì nhưng lại là kênh bổ trợ tối ưu cho chiến lược tổng thể nhằm tối thiểu hóa ‘thời gian cân nhắc’ của đối tượng mục tiêu? Cụ thể vai trò của email marketing là gì khi triển khai chiến dịch đa kênh? Cùng iSharedigital thảo luận thêm trong bài viết dưới đây nhé!
1. Hỗ trợ hành trình khách hàng (customer journey)
Hành trình khách hàng (customer journey) là một trong những công cụ cơ bản cho người làm marketing. Một cách dễ hiểu đó là tất cả các bước một người trải qua cho đến khi ‘ấn nút’ thanh toán. Đặt khách hàng làm trung tâm và thấu hiểu hành vi tương tác của họ sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được đâu là những giai đoạn họ thật sự sẽ trải qua và liệu điều đó có đúng như những gì bạn đang giả định.
Thông thường, chúng ta sẽ cố gắng xây dựng sơ đồ hành trình khách hàng để có cái nhìn tổng thể về vấn đề họ đang làm khó họ xuyên suốt hành trình cũng như đâu là điểm chạm phù hợp. Lấy ví dụ về lớp yoga chẳng hạn, giai đoạn đầu tiên – trigger – vì một lý do nào đó đối tượng mục tiêu sẽ cần tìm một ‘cách’ học mới. Đó có thể là trung tâm bị đóng cửa, lịch của họ bị xáo trộn hay giáo viên đứng lớp đã nghỉ, covid.
Dù với bất kỳ lý do gì, họ phải tìm một giải pháp thay thế. Lúc này mỗi người sẽ có những cách phản ứng rất khác nhau. Họ có thể bắt đầu với việc tìm kiếm trên mạng, liên hệ với trung tâm hoặc hỏi bạn bè. Và ở giai đoạn này sẽ có muôn vàn khả năng có thể xảy đến – đưa họ tới giai đoạn tiếp theo hoặc quay lại từ vạch xuất phát.
Nghĩ thử nhé, sẽ ra sao nếu: lịch học mới từ trung tâm vẫn không phù hợp với thời gian rảnh; lớp học thử diễn ra không như ý; giáo viên không đúng phong cách hoặc có những vấn đề mới khi chuyển qua học online?
Có vô vàn khả năng diễn ra chỉ trong giai đoạn đầu tiên. Và đó chỉ là một trong nhiều giai đoạn. Sử dụng email marketing như một kênh ‘ném đá dò đường’ sẽ giúp doanh nghiệp khoanh vùng dần dần những vấn đề đang diễn ra và tạo cơ hội để họ chia sẻ nhiều hơn về vấn đề họ đang gặp phải.
Chẳng hạn như khi ứng dụng inbound marketing vào triển khai các chiến dịch email – gửi những nội dung mang tính cá nhân cao cho từng nhóm đối tượng và ‘tracking’ hành vi tương tác của họ để phân loại người nhận thành các nhóm nhỏ hơn cho chiến dịch tiếp theo. Ví dụ như trong số tất cả email gửi đi, đâu là chủ để họ đọc; trong số tất cả bài viết, đường link gửi kèm đâu là nơi họ ‘click chuột’ vào!
Qua đó doanh nghiệp sẽ từng bước từng bước xác định được đâu là vấn đề họ quan tâm và dùng email marketing như một kênh hỗ trợ, đưa ra những gợi ý giúp họ rút ngắn thời gian cân nhắc.
2. Chăm sóc khách hàng tiềm năng
Chăm sóc khách hàng tiềm năng thông qua email marketing không đơn giản chỉ là gửi những email hàng loạt – cùng một nội dung đến tất cả mọi người. Thay vào đó tính cá nhân hóa là yếu tố then chốt trong cách triển khai email marketing hiện đại.
Để các chiến lược email marketing mang tính cá nhân cao, trước hết doanh nghiệp cần xuất phát từ ‘chân dung khách hàng’. 1 chân dung khách hàng lý tưởng nên được xây dựng dựa trên khách hàng thực tế và những dữ liệu trong quá khứ để đảm bảo về tính đại diện. Một chân dung khách hàng đúng nhưng mang tính đại diện không cao dù tối ưu đến mấy cũng khó đem lại ‘lượng khách’ tương xứng với công sức bỏ ra.
Hiểu khách hàng như hiểu chính bản thân mình sẽ cho phép thương hiệu tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách tự nhiên và dễ tiếp thu nhất! Và khi đã nhìn trúng ‘tử huyệt’ của họ, thương hiệu sẽ có muôn vàn cách tiếp cận. Lúc này thay vì gửi một nội dung email và hy vọng ‘điều thần kỳ’ xảy ra ngay lập tức, ‘chăm sóc’ họ bằng một chuỗi nội dung hữu ích.
Một cách thường dùng trong nghệ thuật sales cũng như chiến thuật email marketing hiện đại đó là: liên tục đưa ra những gợi ý, sự giúp đỡ để chiến lấy thiện cảm và sự tin tưởng của họ đồng thời tạo ra ‘tâm lý mang nợ’ khiến họ phải ‘trả lại bạn’ vào một ngày không xa.
Hãy nghĩ thử về các ‘nguồn tài liệu’ của mình nhé – chẳng hạn học tiếng anh, làm đẹp, thể thao… nếu mỗi lần có nhu cầu bạn ghé thăm những trang đó để tìm cảm hứng hay cách thức thực hiện, liệu khi buộc phải lựa chọn giữa họ và 1 đối thủ khác tương dương, bạn sẽ chọn ai?
Trong nghệ thuật sales kinh điển của các đại lý bán xe, họ thường quay trở lại sau một hồi tư vấn với một ly nước. Khi đã uống ly nước, cảm giác ‘mang nợ’ khiến họ buộc họ phải đáp ứng đối phương một điều gì đó để giải phóng cảm giác này càng nhanh càng tốt.
Tương tự với email marketing, hãy tiếp cận khách hàng tiềm năng bằng những nội dung hữu ích. Đừng ‘yêu cầu’ họ phải làm gì mà hãy đưa ra những gợi ý có ích cho họ để dần dần ‘điều hướng’ cách họ tư duy. Và dù mục tiêu hướng đến là đối tượng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp, cách tiếp cận này vẫn luôn hữu ích!
→ Tham khảo thêm 5 bước phát triển inbound marketing workflow để biến email marketing thành ‘vũ khí chiến lược’ chinh phục sự tin yêu từ khách hàng.
3. Làm điểm tựa phát triển marketing calendar
Marketing calendar/ content calendar hay editorial calendar là những cách gọi tên khác nhau về lịch trình phát triển nội dung và lên bài. Vai trò của marketing calendar là giữ thông điệp truyền thông bám sát chiến lược đề ra ban đầu và đưa đúng nội dung tới đúng thời điểm theo kế hoạch.
Lấy trung tâm marketing làm ví dụ. Mở nhiều khóa học khác nhau cùng lúc, mỗi thời điểm trọng tâm nội dung sẽ chỉ xoay quanh một vài chủ điểm để tạo hiệu ứng tổng thể khi kết hợp cùng các kênh digital marketing khác. Nếu trung tâm đang đẩy mạnh tuyển học viên lớp digital marketing thì khi dẫn về Facebook, các chủ đề chia sẻ nên có sự nhất quán để tạo sự tin cậy!
Vậy vai trò của email marketing ở đây là gì? Trong bài chia sẻ về ‘4 ví dụ về cách triển khai Data-Driven Marketing trong các hoạt động thực tế’, iSharedigital đã thảo luận về làm thế nào để khai thác chéo dữ liệu từ các kênh khác nhau. Tương tự trong bài viết này, email marketing sẽ là kênh mang đến nhiều insight thú vị cho đội phát triển nội dung.
Trước hết hãy nói về đặc thù của danh sách email marketing. Trừ khi doanh nghiệp mua từ đơn vị thứ 3, hầu hết những người để lại thông tin là những người đã có sự quan tâm dành cho doanh nghiệp. Vậy tại sao không sử dụng họ làm đối tượng ‘testing’?
Dựa trên hành vi tương tác của họ với từng nội dung email, doanh nghiệp có thể dần dần định hình đâu là những chủ đề đang được quan tâm nhiều nhất, đâu là những cách tiếp cận không được hoan nghênh, từ đó làm điểm tựa cho chiến lược nội dung mạng xã hội/ quảng cáo/ blog.
Hy vọng bài viết trên sẽ cho bạn một vài ý tưởng làm mới cách triển khai email marketing. Trong trường hợp bạn cần hỗ trợ sâu hơn khi triển khai phối hợp cùng các kênh digital sẵn có và các hệ thống nâng cao, hãy theo dõi chuỗi nội dung tiếp theo từ iSharedigital hoặc liên hệ với chúng tôi qua form bên dưới nhé!